Sụp mí mắt là hiện tượng mí mắt trên sa xuống che khuất một phần hoặc toàn bộ đồng tử làm giảm thị lực của trẻ. Các mẹ hãy tìm hiểu ngay những thông tin sụp mí mắt ở trẻ em để có có biện pháp xử lý nếu như con mình gặp phải tình trạng này.
Nguyên nhân sụp mí mắt ở trẻ em
Sụp mí mắt ở trẻ em phần lớn là do bẩm sinh, khi vừa sinh ra, mí mắt của trẻ đã bị sụp xuống, có thể sụp mí ở một bên hoặc cả hai bên. Nguyên nhân của sụp mí mắt bẩm sinh thường do rối loạn chức năng cơ hay thần kinh. Sụp mí bẩm sinh có thể gây ra những hậu quả như: nhược thị nếu mi sụp che diện đồng tử khoảng 19% có thị lực kém, tật khúc xạ do áp lực của mi mắt lên nhãn cầu, hạn chế thị lực, trẻ bị cong lệch cột sống do phải ngửa cổ để nhìn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây tâm lý mặc cảm, hạn chế giao tiếp của trẻ.
Các biểu hiện sụp mí mắt ở trẻ em
Nếu sụp mí mắt ở trẻ em xảy ra ở một bên thì có thể dễ dàng được phát hiện bằng cách so sánh với mắt còn lại. Tuy nhiên trong trường hợp cả hai mí mắt đều bị sụp, hoặc mí mắt bị sụp rất ít thì không dễ để phát hiện. Bác sĩ có thể sẽ phải làm một số kiểm tra như: Kiểm tra đèn khe (Slit-lamp examination), kiểm tra trường nhìn (Visual field testing), kiểm tra căng thẳng (Tension test) để xem trẻ có bị nhược cơ hay không.
Ngoài ra, một số biểu hiện sụp mí mắt ở trẻ em dễ nhận biết là mắt không mở lớn được do mí mắt che phủ một phần con ngươi, mi trên xệ thấp qua bờ mi và che phủ đồng tử, che trục nhìn của mắt. Trẻ bị sụp mí nặng có biểu hiện lông mi hướng xuống dưới, mất nếp gấp mi trên, co rút cơ trán để rướn lông mày, ngửa cổ ra sau, thị lực giảm.
Các mức độ sụp mí mắt ở trẻ em
– Mức độ 1: phần da mí rơi thấp hoặc chỉ hơi xệ xuống dưới. Ở cấp độ này, mắt chưa bị ảnh hưởng về thị lực mà chỉ gây mất thẩm mỹ một chút.
– Mức độ 2: Phần mí trên có thể chùng nhão, mắt có hiện tượng như bị sưng húp, nhỏ lại, mọng và kém săn chắc. Mức độ này, hai mắt có thể có sự mất cân đối do tình trạng chảy xệ không đều nhau và đã có sự ảnh hưởng một phần đến thị lực của mắt.
– Mức độ 3: Đây là mức độ sụp mí mắt nặng nhất, mí mắt che ngang đồng tử và có thể thấp hơn, thu hẹp phần lớn tầm nhìn của mắt, khiến trẻ cảm thấy khó chịu, cản trở thị lực nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều biến chứng khác.
Cách khắc phục sụp mí mắt ở trẻ em
Khi bị sụp mí, trẻ thường phải ở trong tư thế ngửa mặt khi nhìn; tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến thị lực giảm trầm trọng do nhược thị. Vậy nên, khi phát hiện thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường ở mắt, cha mẹ cần đưa tới bác sĩ nhãn khoa để được khám và điều trị kịp thời. Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Nếu tuổi còn nhỏ và mí mắt chưa che khuất tầm nhìn, trẻ sẽ được theo dõi định kỳ để có thể phẫu thuật đúng lúc.
Thực tế nhiều phụ huynh nghĩ rằng chứng sụp mí mắt ở trẻ em chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên thường không sớm đưa trẻ đi khám, chỉ khi bệnh đã rất nặng, mí đã che khuất phần lớn mắt khiến trẻ không nhìn thấy được thì mới đưa đến bệnh viện. Cha mẹ cần lưu ý rằng, đi khám sớm là một trong những yếu tố quan trọng nhất để việc điều trị sụp mí ở trẻ em đạt hiệu quả tối đa.
Sụp mí mắt ở trẻ em không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng cha mẹ không nên chủ quan mà cần phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám kịp thời để ngăn ngừa tình trạng có thể xấu hơn.
The post Đề phòng hiện tượng sụp mí mắt ở trẻ em appeared first on Thẩm mỹ Thu Cúc | Bệnh viện ĐKQT Thu cúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét